Ngày tết dù phải đi nhiều đến mấy, các học trò vẫn dành thời gian đến chúc tết thầy cô và có những giờ phút ấm cúng bên thầy cô mình. Chính vì vậy cứ mỗi dịp tết đến xuân về là các em học sinh lại háo hức rủ nhau đến chúc tết những người thầy, người cô thân yêu của mình.
Từ xưa ông bà ta đã có câu: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”; phong tục tập quán ngày tết cổ truyền của dân tộc đã trở thành nét văn hóa đẹp được giữ gìn từ bao đời nay, thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của người Việt Nam.
Điểm đến đầu tiên của các em là nhà người thầy, người cô đã chăm chút, dạy dỗ mình nắn nót từng nét chữ đầu tiên, ê a đánh vần từng con chữ vỡ lòng. Xúm xít bên thầy, cô giáo, em nào cũng nô nức, chờ đợi đến lượt mình kể cho thầy, cô và các bạn cùng chia sẻ những thành tích học tập của mình trong các năm học vừa qua. Các em cũng không quên gửi đến cô những lời chúc đầu năm mới tốt đẹp và món quà nho nhỏ mà cả nhóm đã gửi gắm cả tấm lòng vào đó. Ngày tết ngồi bên nhau, được chúc tết, mừng tuổi cô và được cô thăm hỏi, chuyện trò, động viên các em cảm thấy tình cảm cô trò thật gần gũi.
Theo lễ xưa, ngày mùng một tết, con cháu đều tề tựu đông đủ để chúc tết, chúc thọ ông bà, cha mẹ bên nội; mùng hai tết là bên ngoại để mong muốn ông bà, cha mẹ sang năm mới khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn cùng con cháu. Con cháu sẽ được nghe lời khuyên của ông bà, cha mẹ về đạo lý làm người, biết kính trên nhường dưới, sống trung thực, thủy chung giữ gìn lễ, hiếu nghĩa; đến mùng 3 tết là ngày “tết thầy”. Phong tục “tết thầy” không có một quy định thành văn nào, nhưng lại là một phong tục đầy tính nhân văn trong đời sống người Việt. Điều đó cho thấy rằng, trong tâm linh của người dân nước Việt, thời nào cũng vậy, dù quá khứ hay hiện tại thì vai trò của người thầy bao giờ cũng được tôn trọng vinh danh, theo triết lý nhân sinh giản dị: “Tôn sư trọng đạo”.
Mồng 3 tết thầy nói như thế không có nghĩa là thầy đứng vị trí thứ ba mà chỉ có ý rằng trong dịp tết, đừng quên công lao của thầy. Nếu có điều kiện thì hãy đến thăm và chúc tết thầy, đó là hạnh phúc của thầy mà cũng là niềm vui của trò. Ngày xưa cuộc sống đơn giản lắm, ngoài những người thân yêu, làng xóm thì người dân Việt Nam nào cũng nghĩ đến công lao của người dạy dỗ mình. Vì vậy, đến thăm thầy là nguyện vọng, là hạnh phúc của trò. Ngày xưa dịp tết, hầu hết học trò đều mang gạo, bánh chưng, những gì quý giá nhất đến biếu thầy. Đó là tấm lòng, tình cảm rất vô tư. Có những học trò đến thăm thầy, thể hiện tấm lòng kính yêu với thầy. Có những học trò lâu ngày gặp lại thầy, òa khóc vì xúc động. Đó là những giây phút rất hạnh phúc.
Sự học ngày nay đã khác xưa nhưng “lễ thầy” vẫn không mất đi. Ngày tết, học trò đến nhà thầy thì phải thực sự lòng thành, để người thầy thấy rằng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào xã hội luôn tôn kính và trân trọng thầy. Có những người trò dẫu đã xa rời mái trường từ rất lâu vẫn giữ được tập tục đến thăm và chúc tết thầy, cô mỗi khi tết đến, xuân về.
Ngày xuân đi chúc tết thầy, cô đã trở thành nét đẹp trong đời sống của người Việt Nam. Vì vậy, cho dù xã hội có phát triển đến mấy thì ý nghĩa “ngày mùng ba tết thầy” vẫn sẽ mãi được trân trọng và giữ gìn.
Nhân dịp đầu xuân mới, chúng ta xin kính chúc các thầy, cô:
"Mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp trồng người"