Hoạt động xúc tiến đầu tư tại Đồng Nai
Cập nhật: 08.06.2017 05:57

Trong năm 2016, tại các khu công nghiệp của Đồng Nai đã có hơn 100 doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động, cho thấy mặc dù tình hình kinh tế trong năm qua có nhiều biến động nhưng các doanh nghiệp đã chủ động được nguồn vốn, nhân lực và triển khai nhanh dự án để nắm bắt cơ hội, gia tăng lợi thế trong sản xuất kinh doanh; tạo động lực thu hút các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực đến với các khu công nghiệp của Đồng Nai.

1) Đa dạng các lĩnh vực thu hút đầu tư:

Đồng Nai là một trong những tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu của Việt Nam với 35 khu công nghiệp được thủ tướng Chính phủ đưa vào qui hoạch các khu công nghiệp của Việt Nam đến năm 2020 với tổng diện tích trên 12.055 ha, trong đó có 32 khu công nghiệp đã được thành lập, thu hút 70% diện tích đất cho thuê.

Các khu công nghiệp của Đồng Nai hiện có 42 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với tổng số 1.510 dự án, trong đó có 1.100 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 21 tỷ USD và 410 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 48.000 tỷ đồng.

Riêng năm 2016, các khu công nghiệp của Đồng Nai thu hút được 93 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 730 triệu USD, tăng vốn đầu tư 95 lượt dự án FDI với mức vốn tăng là 745 triệu USD và 2 dự án FDI giảm vốn với số vốn 25,5 triệu USD. Tổng vốn FDI thu hút được năm 2016 là 1,45 tỷ USD, đạt 145% so với kế hoạch (1 tỷ USD).

Công nhân làm việc trong khu công nghiệp của Đồng Nai

Dự án mới thu hút vào các khu công nghiệp của Đồng Nai phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai là thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, vốn đầu tư lớn,... Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai luôn tạo điều kiện cho nhà đầu tư tìm cơ hội đầu tư vào tất cả ngành nghề phù hợp nguyên tắc của WTO và cam kết của Chính phủ với quốc tế. Do đó, ngành nghề của các dự án FDI trên địa bàn tỉnh, nhất là trong các khu công nghiệp đa dạng, có nhiều doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao và có thương hiệu nổi tiếng thế giới.

2) Xuất siêu - tin vui tích cực:

Đến nay, các khu công nghiệp của Đồng Nai thu hút được 42 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư với tổng vốn gần 21 tỷ USD. Vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành nguồn lực quan trọng để đầu tư cho sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. Các dự án đầu tư sản xuất lớn cung cấp hàng hóa cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu ước tính năm 2016 của doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt khoảng 10 tỷ USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 9 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu lớn của doanh nghiệp Đồng Nai là Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hơn một ngàn doanh nghiệp FDI đang hoạt động đã đóng góp khoảng 80% doanh thu xuất khẩu hàng năm cho Đồng Nai.

3) Vốn giải ngân lớn:

Đồng Nai là một trong năm địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất nước. Năm 2016, vốn nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp của Đồng Nai là 1,45 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước về thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp. Giá trị giải ngân trong năm 2016 đạt gần 1,1 tỷ USD, đạt 131,53% so với kế hoạch cả năm (800 triệu USD).

Giá trị giải ngân cao do nhập khẩu để xây dựng cơ bản và hình thành doanh nghiệp tăng mạnh. Gần đây, các khu công nghiệp thu hút được nhiều vốn đầu tư, doanh nghiệp thành lập triển khai dự án, xây dựng và nhập khẩu máy móc thiết bị hình thành dự án nên giá trị nhập khẩu tăng cao, điều này cho thấy các dự án thu hút đầu tư vào Đồng Nai đều được triển khai nhanh.

4) Còn nhiều vướng mắc:

Hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 của doanh nghiệp trong khu công nghiệp của Đồng Nai đã vượt kế hoạch đề ra, tuy nhiên mức tăng còn khiêm tốn, cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp tăng doanh thu, lợi nhuận và đóng góp vào ngân sách nhà nước nhiều hơn.

Ngoài ra, còn tồn tại một số khó khăn như việc điều chỉnh đơn giá thuê đất trả tiền một lần, doanh nghiệp thuê lại đất khó khăn trong đăng ký giao dịch đảm bảo khi thế chấp ngân hàng, do các công ty hạ tầng khu công nghiệp chưa nộp tiền thuê đất một lần cho nhà nước đối với diện tích đất đã thu tiền một lần của doanh nghiệp; giá thuê đất tăng, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư mới; chi phí và vận hành xử lý nước thải tăng;...

Bên cạnh đó, công tác triển khai xây dựng nhà ở công nhân, phát triển các dịch vụ phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp của chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp chưa nhiều, mặc dù Khu công nghiệp Nhơn Trạch I và Khu công nghiệp Long Thành đã đầu tư nhà ở công nhân, các khu công nghiệp đang lập dự án (Lộc An - Bình Sơn, Nhơn Trạch II - Nhơn Phú, Bàu Xéo,…) song chưa đáp ứng được nhu cầu; hiện nay các công ty lớn có nhiều lao động đã chủ động xây dựng nhà ở công nhân, nhà trẻ như Tập đoàn Phong Thái, Tae Kwang Vina, Formosa, VPIC…; còn nhiều doanh nghiệp khác muốn xây dựng nhà ở công nhân, nhà trẻ chưa tìm được vị trí đất phù hợp.

Cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” được Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai triển khai, góp phần giải quyết hồ sơ nhanh chóng, thuận lợi cho doanh nghiệp; tuy nhiên do Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai chưa được phân cấp, ủy quyền về xây dựng, môi trường, công chứng..., đã tác động đến tâm lý của nhà đầu tư khi tìm hiểu đầu tư và thực hiện thủ tục hành chính trong các khu công nghiệp.

Quy định về điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu công nghiệp và phân cấp thực hiện chưa thật sự thuận lợi; cụ thể khu công nghiệp đang hoạt động muốn giảm diện tích của khu công nghiệp phải lấy ý kiến của thủ tướng Chính phủ; Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai điều chỉnh quy hoạch chi tiết không làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất của toàn khu công nghiệp nhưng có thay đổi chức năng sử dụng đất thì không thuộc thẩm quyền.

5) Tiếp tục là điểm đến tin cậy của nhà đầu tư:

Xác định mục tiêu hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã có giải pháp trọng tâm sau:

- Đồng Nai sẽ tăng cường công tác đối thoại, kịp thời hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; triển khai hỗ trợ người dân, doanh nghiệp soạn thảo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp miễn phí, rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp chỉ còn 2 ngày làm việc; thực hiện kết hợp 3 thủ tục có liên quan đến đăng ký doanh nghiệp gồm thủ tục đăng ký doanh nghiệp, thủ tục thông báo mẫu dấu, thủ tục cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng để rút ngắn thời gian, số lần đi lại cho doanh nghiệp; triển khai hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nâng vị trí xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đồng Nai vào nhóm tốt theo tiêu chí của VCCI (từ 60 điểm trở lên).

- Về phía Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, nhất quán với phương châm “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, thông qua sự ổn định chính trị xã hội, bảo vệ tốt môi trường sống, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giải quyết tốt dịch vụ phục vụ doanh nghiệp và công nhân; tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, không ngừng cải tiến thủ tục hành chính và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thường xuyên gặp gỡ doanh nghiệp, lắng nghe những khó khăn vướng mắc và chỉ đạo giải quyết kịp thời để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển; cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” được phát huy tích cực…

(Nguồn: UBND tỉnh Đồng Nai)