Tư vấn thành lập doanh nghiệp *
Cập nhật: 24.10.2014 10:02

Dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp của Văn phòng luật sư Bảo An bao gồm:

1) Tư vấn địa điểm đầu tư bao gồm:

  • Tư vấn tìm kiếm địa điểm đầu tư trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương và của thủ tướng Chính phủ;
  • Tư vấn thủ tục thuê lại mặt bằng, nhà kho, nhà xưởng hoặc nhận chuyển nhượng lại tài sản kèm theo quyền sử dụng đất hợp pháp đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư;
  • Tư vấn thủ tục đầu tư dự án trên cơ sở địa điểm đầu tư đã tìm kiếm được.

2) Tư vấn lựa chọn loại hình doanh nghiệp:

Nội dung tư vấn lựa chọn loại hình doanh nghiệp của Văn phòng luật sư Bảo An nhằm giúp khách hàng lựa chọn được loại hình doanh nghiệp phù hợp với năng lực và nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh; mang lại cho khách hàng các lợi thế và hạn chế các thiệt hại phát sinh từ loại hình doanh nghiệp mà khách hành đã lựa chọn. Ví dụ:

  • Để linh hoạt trong việc huy động các nguồn vốn góp, khách hàng nên chọn loại hình công ty cổ phần;
  • Để hạn mức rủi ro về tài sản, khách hàng nên chọn loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần;
  • Để đơn giản hóa tổ chức quản lý doanh nghiệp, khách hàng nên chọn loại hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; ...

Các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam mà khách hàng có thể lựa chọn bao gồm:

- Doanh nghiệp tư nhân: Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản cho mọi hoạt động của doanh nghiệp.

- Công ty TNHH một thành viên: Công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu; chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn điều lệ của công ty.

- Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp, trong đó: 1) Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân nhưng số lượng thành viên không được vượt quá 50; 2) Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp; 3) Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định của luật doanh nghiệp.

- Công ty cổ phần: Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó: 1) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; 2) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 3 và không hạn chế số lượng tối đa; 3) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp; 4) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp do luật doanh nghiệp quy định; 5) Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn.

- Công ty hợp danh: Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó: 1) Phải có ít nhất 2 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung; ngoài các thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn; 2) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty; 3) Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

- Hợp tác xã: Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể do các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân (được gọi là xã viên) có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của luật hợp tác xã để phát huy sức mạnh tập thể của từng xã viên tham gia hợp tác xã, cùng giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn điều lệ, vốn tích lũy và các nguồn vốn khác của hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

3) Tư vấn nội dung đăng ký doanh nghiệp:

  • Tư vấn lựa chọn tên doanh nghiệp;
  • Tư vấn lập hồ sơ trụ sở doanh nghiệp, địa điểm kinh doanh;
  • Tư vấn điều kiện đăng ký ngành, nghề kinh doanh;
  • Tư vấn nội dung pháp lý của vốn đầu tư, vốn điều lệ, vốn pháp định;
  • Tư vấn nội dung góp vốn và mua cổ phần bằng tiền mặt, phương pháp góp vốn và mua cổ phần bằng tài sản khác;
  • Tư vấn quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ tịch hội đồng thành viên (đối với công ty TNHH và công ty hợp danh), chủ tịch hội đồng quản trị (đối với công ty cổ phần), chủ tịch công ty (đối với công ty TNHH một thành viên), giám đốc hoặc tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền của công ty;
  • Tư vấn nội dung thành lập chi nhánh;
  • Tư vấn nội dung thành lập văn phòng đại diện;
  • Tư vấn nội dung thành lập địa điểm kinh doanh;
  • Tư vấn nội dung thành lập công ty con.