logo
logo
0903.600.368
Time 21.07.2019 09:31 | View 953

Hỏi: Tôi muốn tìm hiểu thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, rất mong luật sư hướng dẫn?

Đáp: Nội dung bạn hỏi, Văn phòng luật sư Bảo An xin trả lời như sau:

1) Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:

- Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi đã hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn thanh toán mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán;

- Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán;

- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;

- Chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chủ tịch hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên hợp danh công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán;

- Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán; cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp điều lệ công ty không quy định;

- Thành viên hợp tác xã, người đại diện theo pháp luật của các hợp tác xã thành viên thuộc liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

2) Thẩm quyền mở thủ tục phá sản của tòa án:

- Tòa án nhân dân cấp tỉnh nhận đơn giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo luật doanh nghiệp, hợp tác xã theo luật hợp tác xã đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh;

- Tòa án nhân dân cấp huyện nhận đơn giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với hợp tác xã đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;

- Quá trình nhận đơn giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, tòa án nhân dân được tiến hành các thủ tục sau:

  • Xác minh và thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản trong trường hợp cần thiết;
  • Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản;
  • Quyết định chỉ định quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;
  • Giám sát hoạt động của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;
  • Quyết định thực hiện kiểm toán doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong trường hợp cần thiết;
  • Quyết định bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán sau khi mở thủ tục phá sản để bảo đảm chi phí phá sản;
  • Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật;
  • Áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, yêu cầu dẫn giải đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật;
  • Tổ chức hội nghị chủ nợ;
  • Quyết định công nhận nghị quyết hội nghị chủ nợ về phương án phục hồi hoạt động kinh doanh;
  • Quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản;
  • Quyết định tuyên bố phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã không còn khả năng thanh toán;
  • Áp dụng biện pháp xử phạt hành chính, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý về hình sự theo quy định của pháp luật;
  • Tham khảo quyết định giải quyết phá sản trước đó trong vụ việc phá sản tương tự theo hướng dẫn của tòa án nhân dân tối cao;
  • Phải từ chối giải quyết phá sản nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 10 của luật phá sản;
  • Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

3) Nội dung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người nộp đơn là các chủ nợ:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn;
  • Tên, địa chỉ của người làm đơn;
  • Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản;
  • Khoản nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần đến hạn mà không được doanh nghiệp, hợp tác xã thanh toán;
  • Quá trình đòi nợ;
  • Căn cứ của việc yêu cầu mở thủ tục phá sản.

4) Nội dung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người nộp đơn là người lao động:

- Đại diện người lao động được cử hợp pháp khi được quá nửa số người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã tán thành bằng cách bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ ký; đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô lớn và có nhiều đơn vị trực thuộc thì đại diện người lao động được cử hợp pháp phải đựơc quá nửa số người được cử làm đại diện thuộc các đơn vị trực thuộc tán thành.

- Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải có các nội dung chính sau đây:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn;
  • Tên, địa chỉ của người làm đơn;
  • Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản;
  • Số tháng nợ tiền lương, tổng số tiền lương và các khoản nợ khác mà doanh nghiệp, hợp tác xã không trả được cho người lao động;
  • Căn cứ của việc yêu cầu mở thủ tục phá sản.

5) Nội dung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người nộp đơn là doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản:

- Khi thấy doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thì chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó.

- Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải có các nội dung chính sau đây:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn;
  • Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã;
  • Căn cứ của việc yêu cầu mở thủ tục phá sản.

- Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải được gửi cho tòa án có thẩm quyền quy định tại điều 7 của luật phá sản.

- Nộp kèm theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản các giấy tờ, tài liệu sau đây:

  • Báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và hợp tác xã, trong đó giải trình nguyên nhân và hoàn cảnh liên quan đến việc mất khả năng thanh toán; nếu doanh nghiệp là công ty cổ phần mà pháp luật yêu cầu phải được kiểm toán thì báo cáo tài chính phải đựơc tổ chức kiểm toán độc lập xác nhận;
  • Báo cáo biện pháp mà doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn;
  • Bảng kê chi tiết tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã và địa điểm nơi có tài sản nhìn thấy được;
  • Danh sách chủ nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã trong đó ghi rõ tên, địa chỉ, ngân hàng mà chủ nợ có tài khoản; các khoản nợ đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm; các khoản nợ chưa đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm;
  • Danh sách người mắc nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã trong đó ghi rõ tên, địa chỉ, ngân hàng mà họ có tài khoản; các khoản nợ đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm; các khoản nợ chưa đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm;
  • Danh sách tên, địa chỉ của thành viên nếu doanh nghiệp mắc nợ là công ty có các thành viên liên đới chịu trách nhiệm về khoản nợ của doanh nghiệp;
  • Những tài liệu khác mà tòa án yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải cung cấp theo quy định của pháp luật.

6) Nội dung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người nộp đơn là chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước:

- Khi thấy doanh nghiệp nhà nước lâm vào tình trạng phá sản mà không thực hiện nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp đó.

- Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, các giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu được thực hiện như mục 5 trên đây.

7) Nội dung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người nộp đơn là các cổ đông công ty cổ phần:

- Khi công ty cổ phần lâm vào tình trạng phá sản thì cổ đông, nhóm cổ đông có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của điều lệ công ty; nếu điều lệ công ty không quy định thì việc nộp đơn thực hiện theo nghị quyết của đại hội cổ đông. Trường hợp điều lệ công ty không quy định mà không tiến hành được đại hội cổ đông thì cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu trên 20% cổ phần phổ thông liên tục trong 6 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty cổ phần đó.

- Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, các giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu được thực hiện như mục 5 trên đây, trừ các giấy tờ và tài liệu sau đây:

  • Danh sách chủ nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã trong đó ghi rõ tên, địa chỉ, ngân hàng mà chủ nợ có tài khoản; các khoản nợ đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm; các khoản nợ chưa đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm;
  • Danh sách người mắc nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã trong đó ghi rõ tên, địa chỉ, ngân hàng mà họ có tài khoản; các khoản nợ đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm; các khoản nợ chưa đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm;
  • Danh sách tên, địa chỉ của thành viên, nếu doanh nghiệp mắc nợ là công ty có các thành viên liên đới chịu trách nhiệm về khoản nợ của doanh nghiệp.

8) Nội dung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người nộp đơn là thành viên công ty hợp danh:

- Khi thấy công ty hợp danh lâm vào tình trạng phá sản thì thành viên hợp danh có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty hợp danh đó.

- Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, các giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu được thực hiện như mục 5 trên đây.

Pháp lý | Đang xem: 31
© 2012, Bao An Law Firm. All Rights Reserved.