ĐINH MINH LƯỢNG (Tòa án quân sự khu vực 2, Quân khu 5) - Việc xử lý vật chứng trong từng giai đoạn tố tụng đã được quy định cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng vẫn xảy ra một số trường hợp vướng mắc, bất cập.
TAND thành phố Gia Nghĩa, Đắk Nông xét xử vụ án “trộm cắp tài sản”
Khoảng 22 giờ 30 phút, ngày 29/11/2020, Hoàng A đến nhà Nguyễn Văn B và rủ B đi trộm cắp tài sản tại khu nghỉ dưỡng Liberty (thuộc thị trấn CR, huyện ĐL, tỉnh QT), B đồng ý. Sau đó, A điều khiển xe mô tô của mình nhãn hiệu Jupiter BKS 43N1-312.20 chở B đi từ thị trấn CR vào khu nghỉ dưỡng Liberty. Đến nơi, A và B vào các phòng ngủ lấy trộm 2 điện thoại Iphon 7, 3 máy tính xách tay hiệu Dell. Sau đó, A điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Jupiter BKS 43N1-312.20 chở B đi về hướng thị trấn CR để tìm nơi tiêu thụ. Khoảng 4 giờ, ngày 30 /11/2020, khi đi đến khu vực chợ VP, thị trấn CR, huyện ĐL, tỉnh QT thì A, B bị anh Đinh Xuân H và anh Trần Tiến G (là Công an thị trấn CR) phát hiện, đưa cả hai cùng toàn bộ tang vật, công cụ, phương tiện về Công an thị trấn CR, huyện ĐL, tỉnh QT để giải quyết.
Tại bản kết luận định giá tài sản số 08/KLĐGTS ngày 19/12/2020 của hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện ĐL, tỉnh QT xác định: 2 điện thoại Iphon 7 có giá trị là 6.000.000 đồng; 3 máy tính xách tay hiệu Dell có giá trị là 21.000.000 đồng. Tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt ngày 29/11/2020 là 27.000.000 đồng.
Trong vụ án này, có đủ cơ sở để khẳng định hành vi của Hoàng A, Nguyễn Văn B phạm tội “trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 điều 173 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, việc xử lý vật chứng là chiếc xe mô tô nhãn hiệu Jupiter BKS 43N1-312.20 là tài sản dùng vào việc phạm tội còn có quan điểm khác nhau, vì đây là tài sản chung giữa Hoàng A và vợ là chị Trần T; chị Trần T không biết việc chồng mình là Hoàng A dùng xe máy là tài sản chung của vợ chồng vào việc trộm cắp tài sản; hoàn cảnh gia đình chị Trần T rất khó khăn, chỉ có chiếc xe máy này là phương tiện đi lại nên đã viết đơn gửi tới tòa án xin lại chiếc xe. Hiện có các quan quan điểm về xử lý vật chứng là chiếc xe mô tô nhãn hiệu Jupiter BKS 43N1-312.20 như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hoàng A sử dụng chiếc xe mô tô nhãn hiệu Jupiter BKS 43N1-312.20 đi trộm cắp tài sản, chiếc xe này là phương tiện dùng vào việc phạm tội. Do vậy, căn cứ điểm a khoản 1 điều 47 BLHS năm 2015 và điểm a khoản 2 điều 106 BLTTHS năm 2015 tuyên tịch thu, nộp ngân sách nhà nước chiếc xe mô tô này.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Vật chứng là 1 xe mô tô nhãn hiệu Jupiter BKS 43N1-312.20 là phương tiện Hoàng A dùng vào việc phạm tội. Tuy nhiên, đây là tài sản chung giữa Hoàng A và vợ là Trần T, xét thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ có chiếc xe máy là phương tiện đi lại và chị Trần T không biết về hành vi phạm tội của Hoàng A nên căn cứ khoản 2 điều 47 BLHS năm 2015; điểm b khoản 3 điều 106 BLTTHS năm 2015 tuyên trả lại chiếc xe máy cho chị Trần T.
Quan điểm thứ ba cho rằng (đây là quan điểm của tác giả): Vật chứng là 1 xe mô tô nhãn hiệu Jupiter BKS 43N1-312.20, là phương tiện dùng vào việc phạm tội. Đây là tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân giữa Hoàng A và vợ là Trần T nên căn cứ điều 33 luật hôn nhân và gia đình năm 2014; điểm a khoản 1 điều 47 BLHS năm 2015; điểm a khoản 2 điều 106 BLTTHS năm 2015 tuyên tịch thu, nộp ngân sách nhà nước nộp ½ giá trị của xe mô tô, ½ giá trị của xe mô tô trả lại cho chị Trần T. Yêu cầu Chi cục thi hành án dân sự huyện ĐL, tỉnh QT tiến hành bán đấu giá xe mô tô nhãn hiệu Jupiter BKS 43N1-312.20 và nộp ngân sách nhà nước ½ giá trị của xe máy, còn ½ giá trị của xe máy trả lại cho chị Trần T.
Trên đây là tình huống và các quan điểm về xử lý vật chứng là chiếc xe mô tô dùng vào việc phạm tội là tài sản chung của vợ chồng. Rất mong quý bạn đọc và đồng nghiệp có ý kiến trao đổi.
(19/2/2021)