Rút ngắn thời gian công bố thông tin trước đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, “trạm thu giá” lại trở về tên “trạm thu phí”... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2020.
Bước sang tháng 9/2020, nhiều quy định pháp luật mới sẽ chính thức có hiệu lực.
Mẫu quy chế kiểm toán nội bộ dùng cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công
Đây là nội dung tại thông tư 67/2020/TT-BTC ban hành quy chế mẫu về kiểm toán nội bộ áp dụng cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực từ ngày 1/9/2020.
Theo đó, 3 mẫu quy chế kiểm toán nội bộ được ban hành bao gồm:
(1) Quy chế mẫu áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (phụ lục 1);
(2) Quy chế mẫu áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập (phụ lục 2);
(3) Quy chế mẫu áp dụng đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (phụ lục 3).
Mẫu quy chế kiểm toán nội bộ làm cơ sở cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tham chiếu trong việc xây dựng quy chế kiểm toán nội bộ đảm bảo phù hợp với quy định của nghị định 05/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019.
Rút ngắn thời gian công bố thông tin trước đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực từ 1/9/2020.
Theo đó, tối thiểu 3 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức đợt phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phát hành thực hiện công bố thông tin trước đợt phát hành cho nhà đầu tư và gửi nội dung công bố cho Sở giao dịch chứng khoán.
(Hiện hành, tối thiểu 10 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức đợt phát hành trái phiếu).
- Nội dung công bố thông tin trước đợt phát hành theo mẫu tại phụ lục 1 ban hành kèm theo nghị định 163;
- Đối với phát hành trái phiếu xanh, ngoài mẫu tại phụ lục 1, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin về quy trình quản lý, giải ngân vốn từ phát hành trái phiếu xanh theo quy định tại khoản 4 điều 5 nghị định 163;
- Doanh nghiệp phát hành gửi nội dung công bố thông tin trước đợt phát hành đến các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và Sở giao dịch chứng khoán theo hình thức hồ sơ giấy hoặc hồ sơ điện tử.
Chế độ báo cáo của tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu
Thông tư 77/2020/TT-BTC hướng dẫn nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 28/9/2020.
Theo đó, tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu thực hiện báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm về việc tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 12 điều 1 nghị định số 81/2020/NĐ-CP.
Báo cáo gồm những nội dung sau:
- Số lượng hợp đồng tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong kỳ, khối lượng phát hành thành công trong kỳ;
- Việc tuân thủ quy định về điều kiện và hồ sơ phát hành trái phiếu của các hợp đồng tư vấn phát hành đã thực hiện trong kỳ theo quy định tại nghị định 163/2018/NĐ-CP và nghị định số 81/2020/NĐ-CP.
Thời hạn báo cáo:
- Đối với báo cáo 6 tháng, chậm nhất là ngày 31/7 hàng năm;
- Đối với báo cáo năm, chậm nhất là ngày 31/01 năm tiếp theo.
Mẫu quy chế kiểm toán nội bộ áp dụng cho doanh nghiệp từ 1/9/2020
Ngày 10/7/2020, Bộ tài chính ban hành thông tư 66/2020/TT-BTC về việc ban hành quy chế mẫu về kiểm toán nội bộ áp dụng cho doanh nghiệp từ ngày 1/9/2020.
Theo đó, mẫu quy chế kiểm toán này áp dụng đối với:
- Công ty niêm yết;
- Doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con;
- Doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
Các doanh nghiệp không thuộc diện nêu trên được khuyến khích xây dựng quy chế kiểm toán nội bộ trên cơ sở tham chiếu mẫu quy chế kiểm toán nội bộ ban hành kèm theo thông tư 66/2020/TT-BTC.
Bảo vệ vị trí công tác cán bộ, công chức là người tố cáo
Theo thông tư 03 của Bộ nội vụ có hiệu lực từ ngày 5/9/2020, cán bộ, công chức, viên chức là người tố cáo sẽ được bảo vệ vị trí công tác.
Cụ thể, sẽ không xử lý kỷ luật người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo.
Đồng thời, không thực hiện điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ trường hợp:
- Được sự đồng ý của người đó;
- Thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác;
- Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp không quá 800.000 đồng/người/lần
Nội dung này được quy định tại nghị định 88 có hiệu lực từ ngày 15/9/2020.
Theo đó, mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp, tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động khám, sau khi được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800.000 đồng/người/lần khám.
(Theo quy định cũ, mức hỗ trợ vẫn bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp theo quy định sau khi được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 1/3 mức lương cơ sở/người/lần khám).
“Trạm thu giá” lại trở về tên “trạm thu phí”
Trước đây, năm 2010, tại thông tư 05, Bộ giao thông vận tải đã đặt tên cho nơi thực hiện việc thu phí phương tiện tham gia giao thông đường bộ là trạm thu phí đường bộ.
Năm 2016, Bộ giao thông vận tải lại ban hành ra thông tư 49, thay thế thông tư 05. Trong đó đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá.
Từ ngày 15/9/2020, thông tư 15 của Bộ giao thông vận tải sẽ có hiệu lực, thay thế cho thông tư 49 nêu trên. Theo quy định của thông tư này, trạm thu giá sẽ được trở về với cái tên ban đầu của nó, là trạm thu phí.
Cũng theo thông tư này, trước khi thành lập trạm thu phí phải công khai vị trí đặt trạm.
Trong suốt quá trình thu, đơn vị thu phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử thông tin về tổng thời gian được thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, thời điểm bắt đầu thu, doanh thu tháng trước của trạm thu phí số điện thoại để tiếp nhận thông tin phản ánh…
(1/9/2020)