1) Vốn pháp định:
Pháp luật không đưa ra một mức vốn tối thiểu cụ thể mà nhà đầu tư nước ngoài phải có hoặc cam kết góp khi thành lập công ty tại Việt Nam ngoại trừ một số lĩnh vực đòi hỏi vốn pháp định, là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp như: Ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh vận chuyển hàng không, dịch vụ kiểm toán, dịch vụ bảo vệ... Tuy nhiên, mức vốn để thành lập thành lập công ty tại Việt Nam phải phù hợp với tính chất, quy mô của dự án đầu tư.
Trong một số lĩnh vực cụ thể như nhà ở, mức vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài phải đạt tối thiểu 10% đến 15% tổng mức đầu tư của dự án.
2) Vốn điều lệ:
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần. Tài sản góp vốn có thể là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng đồng Việt Nam.
Nhà đầu tư là cổ đông, chủ sở hữu công ty tại Việt Nam phải hoàn thành việc góp vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Đối với thành viên, cổ đông của công ty là tổ chức, việc góp vốn phải được thực hiện thông qua chuyển khoản ngân hàng.
3) Vốn thực hiện dự án:
Vốn thực hiện dự án bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn huy động. Vốn chủ sở hữu có thể đồng thời là vốn điều lệ trong trường hợp nhà đầu tư thành lập công ty để thực hiện dự án.
Việc góp vốn thực hiện dự án sẽ thực hiện theo đúng tiến độ được xác định tại dự án đầu tư đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.